You are currently viewing Càng siết giãn cách, Sài Gòn càng siết tay nhau: “Mình xem đâu là nhà thì sẽ có cách biến hóa để tồn tại”

Càng siết giãn cách, Sài Gòn càng siết tay nhau: “Mình xem đâu là nhà thì sẽ có cách biến hóa để tồn tại”

Người nghèo hay bỗng dưng nghèo, kẻ khó hay phút chốc túng quẫn… đang một lòng dìu nhau qua đại dịch. Họ thấy nhiều sự thật, trong đó thật nhất vẫn là lòng yêu thương. Ôi, những người trong thiên hạ biết rằng, còn giúp được nhau, đã là một phần phước rồi!

Hơn hai tháng gồng mình chống dịch COVID-19, người dân TP.HCM cảm giác “quen dần” với những đêm hè tịch lặng gần như tuyệt đối. Giờ đây, tiếng còi cứu thương lúc dồn dập, lúc thư thả chỉ để màn đêm biết rằng thành phố vẫn đang còn thở, dù rất khó nhọc. Các gia đình chốt cửa im ỉm cả ngày, ngoài những bản tin thời sự, điều duy nhất họ muốn làm là hỏi thăm nhau.

Hai bên hàng xóm voice-call để biết tình hình xung quanh. Cô bạn thời trung học của chúng tôi từ Hoa Kỳ mỗi ngày đều gọi về cho một người thân ở Việt Nam để biết mọi người vẫn ổn. Mùa dịch, “sướng” nhất khỏi phải canh múi giờ, bởi lúc này ở hai nửa bán cầu, ai cũng đang ở nhà, chờ… những ngày mới lên. Chúng tôi kể cho cô nghe về cậu bạn học chung lớp ngày xưa – Võ Quốc Huy.

Bấy lâu nay ai cũng biết Huy làm ăn đủ sống với hai quán bánh canh cua ở Q.10 và Q.11 (TP.HCM). Vợ con định cư nước ngoài trước đại dịch hồi năm ngoái, mình Huy ở lại điều hành quán xá. Từ 31/5 đến nay, các cơ sở kinh doanh đóng cửa theo các chỉ thị giãn cách, anh thành người “nghèo đột xuất” và chính thức ăn gạo “cứu trợ” từ bạn bè hơn ba tuần nay. Dù đã được một chủ mặt bằng miễn phí toàn bộ tiền thuê nhưng vốn liếng của Huy đang dần “chảy máu” cho các khoản tiền nhà, điện nước… và khoản hàng tháng “lo cho ông già”.

Những khu phong tỏa dựng lên khắp TP.HCM trong thời gian qua (Ảnh: QN)

“Nằm trong nhà tuyệt đối không dám đi đâu. Qua dịch chắc co lại một tiệm thôi. Đúng là mới… nghèo nó oải thiệt, nhưng cũng còn cầm cự được, vẫn hơn nhiều người dưới tỉnh lên đây làm, thấy tội ghê nơi”, Huy tâm sự. Khổ như “bỗng dưng nghèo” là có thật! Bởi với anh, túng thiếu mà chả dám lên mạng hay “alô” kêu ca với ai vào cái lúc mà “ai cũng khổ như ai” này.

Từ tháng 6/2021, chị L.T.Q.N. (quê Long An, tạm trú Q.Tân Phú) quyết định trả mặt bằng, thanh lý cửa hàng bán mũ bảo hiểm trên đường Âu Cơ, Q.11. “Thiệt ra làm ăn cũng đã quá ế ẩm từ đầu dịch rồi. Nhưng mỗi người một quan điểm, một chọn lựa. Tôi chọn ở lại Sài Gòn vì về quê cũng khó cho người thân, nhất là nguy cơ lây bệnh. Hơn nữa, thành phố như ngôi nhà thứ hai của tôi rồi. Khó khăn kinh tế vẫn không bằng tinh thần hoang mang, áp lực mong chờ cuộc sống sớm ổn định trở lại đâu, nên tôi chọn ở yên tại đây”, chị nói.

Thật sự nhiều tháng nay, mọi chi tiêu của gia đình chị đều phải dè sẻn, có gì ăn đó. Mang gương mặt của những người “bỗng dưng nghèo” ở đô thị thật trớ trêu khi bình thường gửi tiền về phụ hai bên nội ngoại, nay vợ chồng N. lại phải nhờ dưới quê “cứu trợ” nhu yếu phẩm ngược trở lại cho gia đình mình.

Những người dân nhận được hàng cứu trợ từ những ân nhân là những “người nghèo đột xuất” ở TP.HCM với phương châm “còn giúp được người khác là có phúc cho tôi rồi” (Ảnh: QN)

Những trường hợp như Huy và N. thực sự là vẫn hơn nhiều người xa quê khác đang lọt thỏm giữa Sài Gòn. Nhưng câu chuyện của “người giàu cũng khóc” N.Tr.Đ. xảy ra hôm 15/8 quả là quá thương tâm. Không như Huy, N…. những người vẫn hy vọng ngày được tái lập kinh doanh, tìm cơ hội làm ăn sau dịch, Đ. đã quyên sinh sau núi nợ nần.

Theo mô tả của bạn bè, đồng nghiệp, Đ. là một con người lúc nào sục sôi, đam mê cho các dự án start-up. Đó là định danh “thương hiệu cá nhân” không bao giờ thay đổi của anh. Một người như thế khi thất bại có lẽ shock hơn người khác nhiều lần. Chỉ vài tháng trước làn sóng thứ tư của COVID-19 quét qua TP.HCM, Đ. khởi nghiệp một vài dự án và cần vốn kinh doanh. Hành trình 37 năm giữa dòng đời của Đ. đã không tìm ra được lối thoát tâm trong tâm dịch cùng khó khăn chung của toàn xã hội.

Những dòng cuối trên Facebook cá nhân, Đ. gửi lời xin lỗi cha mẹ, bạn bè, đối tác và các cộng sự, nhân viên đã từng tin tưởng nơi mình. “Lỗi tất cả là về phía mình, đã không cẩn thận khi làm và đầu tư. Khoản nợ là quá sức với mình trong giai đoạn hiện tại và không thể trả lại cho mọi người được cả vật chất lẫn tinh thần”, anh viết.

Từ một nhân viên địa ốc giờ nghỉ ở nhà không lương, Võ Đức (ngụ Q.11) bắt đầu nếm trải giai đoạn “nghèo mới”, dù luôn ý thức những khó khăn này chỉ là tạm thời. “Ai bỏ về quê nghĩa họ lo cho một hai tháng tới thôi. Tôi ở đây với hy vọng mọi thứ rồi sẽ qua và thành phố sẽ trở lại những hoạt động kinh doanh sôi nổi”, Đức nói.

Mất thu nhập, anh bám trụ và đã “linh hoạt” để có tiền chợ bằng cách tham gia làm tài xế các “chuyến xe 0 đồng” cứu trợ cho các nhóm từ thiện. “Dù không có thù lao nhưng bù lại cũng được rau củ quả anh ạ, cũng là một cách để cải thiện nhu yếu phẩm thực phẩm. Còn lại thì giờ ai mà chẳng phải ăn vào tiền tiết kiệm”, Đức nói và cho biết dịch bệnh chả tiêu pha gì nhiều, điện nước cũng chỉ cỡ một triệu đồng/tháng.

Với Đức, COVID-19 ập tới, mới thấy rõ người Việt mình không bao giờ bỏ nhau. Giờ thấy ai mà còn đi làm từ thiện được là đáng quý, vì thầy tôi nói được giúp người khác là có phúc cho mình rồi. Còn lại, mỗi người sẻ chia một chút siết tay nhau chờ cho qua dịch, giữ an toàn cho mình và người thân trước bệnh tật thôi, chứ làm sao có thể sống đầy đủ như lúc bình thường được. Tôi bây giờ chỉ còn ăn ngày hai bữa thôi. Sáng cơm chiên trễ trễ tí để lướt qua cữ chiều. Chiều độn thêm mì gói lướt qua cữ tối, cứ thế”Đức nói về mấy tuần căng thẳng gần đây.

Những người trong khu trọ đứng xếp hàng chờ nhận đồ cứu trợ dưới trời mưa (Ảnh: QN)

Nhiều người cám cảnh cho hoàn cảnh vợ chồng Vũ Quốc Vân (Q.3) cùng làm gia sư dạy kèm. Vào dịch, để vợ nghỉ thai sản cùng ba con ở nhà, mình anh bươn chải ra đường bán rau. Sau hai lần bị phạt vì buôn bán tự phát, loay hoay đi giao thực phẩm online lại tiếp tục bị lập biên bản giữ bằng lái xe. “Thiệt tình, trong một tháng tôi lãnh ba cái giấy phạt rồi. Chắc lên nhờ chủ tịch phường cho làm xác nhận khó khăn để miễn đóng phạt quá. Tôi đồng ý chấp hành, nhưng rồi cũng phải để 4 người ở nhà, một mình ra ngoài, tuyệt đối tuân thủ 5K, chỉ mong dù giãn cách thế nào, cũng nên ưu tiên cho việc lưu thông hàng hóa”, anh Vân bày tỏ. Nói về việc ở lại thành phố, người thầy đi bán rau này cho hay, mình xem đâu là nhà thì sẽ có cách biến hóa để tồn tại thôi mà!

Những ngày cuối tháng 8/2021, TP.HCM tiếp tục tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng chống dịch” kể từ 0g ngày 23/8 đến hết ngày 6/9. Ai cũng hiểu rằng, tất cả những nỗ lực, trong đó có cả sự bối rối, của chính quyền các cấp là nhằm bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh trên toàn thành phố trước ngày 15/9.

Bỏ qua những hối hả, lo âu trước mỗi cột mốc giãn cách, mọi người tiếp tục cùng nhau hướng tâm mình về những niềm hy vọng như bình minh mỗi buổi sáng. Và trong sự đợi chờ chưa biết còn bao lâu ấy, người ta rõ là rất ấm lòng trước những chia ngọt, sẻ bùi của những người chưa quen cùng chung thành phố, cùng chung khó khăn chống chọi với dịch bệnh. Và tất cả họ đều là những người “bỗng dưng nghèo” giữa đô thị sầm uất nhất nước do đại dịch. Tin nhắn của các phụ huynh trong lớp các con khiến tôi càng thêm khẳng định điều đó: “Chị gì mẹ bé Thảo ơi, vợ chồng em làm công nhân ở nhà 3 tháng nay rồi. Em còn nuôi hai con nhỏ. Xin chị có thể giúp em ít rau với trứng cầm cự qua dịch được không ạ? Em cám ơn chị rất nhiều”.

Tin nhắn trả lời của phụ huynh kia: “Ok em, ngày mai có trứng về chị sẽ nhắn em qua lấy nhé. À, còn có ít rau cải ngọt và gạo nữa. Nhà chị mấy tháng nay cũng mất thu nhập, nhưng may còn tiền tiết kiệm nên cũng đắp đổi qua ngày, chờ hết dịch rồi mình làm lại từ đầu…”

Ôi, những người trong thiên hạ biết rằng, còn giúp được nhau, đã là một phần phước rồi!

Ngồn: kenh14.vn

Trả lời