You are currently viewing Lễ dâng hương tưởng niệm Đức Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi

Lễ dâng hương tưởng niệm Đức Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi

Với tấm lòng yêu nước, thương dân, tư tưởng đại nghĩa, khoan dung cùng những kỳ tích trong 10 năm đánh giặc và hơn 5 năm trị vì đất nước, Lê Lợi xứng đáng là người anh hùng giải phóng dân tộc kiệt xuất.

Toàn cảnh lễ dâng hương tưởng niệm anh hùng dân tộc Lê Lợi

Nhân dịp kỷ niệm 605 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 595 năm Vua Lê Thái tổ đăng quang, 590 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, sáng 6/10 (nhằm ngày 21/8 năm Quý Mão), Hội đồng hương tỉnh Thanh Hóa tại TP. HCM, Hội đồng Họ Lê tại Tp.Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 590 năm ngày mất anh hùng dân tộc Lê Lợi tại chùa Trấn Quốc, Tp. HCM.

Ông Lê Văn Minh – Phó Chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa tại Tp.HCM phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, Ông Lê Văn Minh – Phó Chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa tại Tp. HCM cho biết, Lê Lợi sinh ngày 06/8 năm Ất Sửu (10/9/1385) tại vùng rừng núi trung du Thanh Hóa, nay xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa (Xuân Lam là vùng trung du đồi núi nên còn gọi là Lam Sơn). Ông tạ thế ngày 22/08 năm Quý Sửu (5/09/1433), thọ 48 tuổi.

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất “địa linh nhân kiệt”, Lê Lợi đã theo gương các anh hùng dân tộc quê Thanh như: Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Hồ Quý Ly… Cuối năm 1406 nhà Minh xâm lược nước ta, nhà Hồ kháng chiến được nửa năm thì thất bại. Nhà Minh áp dụng phương thức cổ truyền là xâm lược và đồng hóa bằng bạo lực. Mấy chục năm nhà Minh cai trị là một quá trình tàn bạo khốc liệt hơn cả 1.000 năm Bắc thuộc Hán – Đường, một quá trình đan xen văn hóa, cưỡng bức Việt Hoa, một quá trình diệt tộc và diệt chủng nặng nề.

Lớn lên trong hoàn cảnh đó, Lê Lợi kiên nhẫn nuốt hận dấu minh hun đúc ý chỉ chờ thời cơ. Năm Bính Thân (1416) lúc 31 tuổi, Lê Lợi đã cùng 18 người bạn thân thiết nhất tổ chức hội thể Lũng Nhai. Ngày 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất (tức 7/2/1418) Lê Lợi và bạn bè thân thiết chính thức dựng cờ khởi nghĩa ở đất Lam Sơn, xưng là Bình Định Vương, lúc đó ông tròn 33 tuổi. Trong 6 năm (từ 1418 – 1424), Lê Lợi và nghĩa quân ra sức xây dựng căn cứ địa Lam Sơn trong sự truy quét điên cuồng của giặc Minh. Sẽ là thiếu sót khi nhắc đến thời kỳ này của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn mà không nhắc tới câu chuyện xúc động lòng người mà nhiều thế hệ người Việt Nam đã biết: Lê Lai “quên mình cứu chúa”…

Tháng 10/1427, Nhà Minh đưa 15 vạn quân chia làm 2 cánh sang tiếp viện để cứu nguy cho Đông Quan. Lê Lợi và bộ tham mưu quyết định táo bạo: Vừa vây đánh Đông Quan vừa tập trung lực lượng diệt viện. Kết quả cả hai mũi tiền quán của địch đều bị tiêu diệt, hai tên tướng chỉ huy Liễu Thăng và Vương Thông đều đầu hàng. Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kết thúc bằng hội thề Đông Quan ngày 10/12/1427.

Sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, Lê Lợi giao cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo. Đây không chỉ là những áng thơ tuyệt vời mà ý nghĩa của nó còn lớn hơn nhiều. Đó là Bản tuyên ngôn độc lập. Sẽ không thỏa đáng nếu nói về khởi nghĩa Lam Sơn mà không nói về Nguyễn Trãi. Ông đã cùng với Lê Lợi và bộ tham mưu của nghĩa quân đưa cuộc chiến tranh giải phóng đến thắng lợi. Kết thúc chiến tranh ông được coi là công thần lập quốc….

Sau thắng lợi hoàn toàn, Lê Lợi lên làm vua lấy niên hiệu là Thuận Thiên. Đầu năm 1428 vua Lê Thái Tổ đã ban hành những luật lệ làm cơ sở lập pháp đầu tiên để sau này vua Lê Thánh Tôn cháu nội của ông hệ thống và bổ sung thành bộ luật Triều Lê hay còn gọi là Bộ luật Hồng Đức. Lê Thái Tổ còn kiên quyết củng cố nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.

Đánh giá sự nghiệp của Lê Lợi qua các lần Hội thảo, các nhà khoa học đã khẳng định: “Lê Lợi là một nhà yêu nước vĩ đại, là một người gương cao ngọn cờ cứu nước, cứu dân, giương cao ngọn cờ nhân nghĩa khi mà nước nhà bị quân thủ giết chóc, nhân nghĩa đang bị quân thủ vùi dập. Lê Lợi là nhà tổ chức có tải là một nhà quân sự kiệt suất. Lê Lợi là một người có nhãn quan chính trị sáng suốt, có đức cao cả, đoàn kết được toàn dân, tập hợp được mọi lực lượng quần chúng rộng rãi đưa sự nghiệp cứu nước đến thành công”.

Nói chung, Lê Lợi không chỉ là người có công đầu trong việc tổ chức cuộc khởi nghĩa mà đã trở thành lãnh tụ tối cao của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bước đầu xây dựng lại đất nước, đưa đất nước bước sang giai đoạn độc lập, tự chủ vững mạnh, khiến hơn 200 năm sau quân thù không dám động binh xâm lược.

Ông Lê Văn Minh chia sẻ: “Lễ giỗ năm nay tưởng niệm vua Lê Thái Tổ, chúng ta nguyện đoàn kết chặt chẽ, chung sức chung lòng xây dựng và bảo vệ tổ quốc thân yêu của chúng ta. Tổ quốc mà ông cha ta đã hy sinh, chiến đấu tạo dựng mấy ngàn năm. Bà con cô bác đang làm ăn sinh sống tại Tp.HCM, nguyện đem hết sức mình làm tốt nghĩa vụ của người công dân, để thiết thực góp xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, giàu mạnh, văn minh và nghĩa tình.

Cây có gốc mới nở cảnh xanh lá,

Nước có nguồn mới bể cả sông sâu

Người ta nguồn gốc từ đầu,

Có tổ tiên trước rồi sau có mình”

Đại tá Lê Duy Minh, Chủ tịch Hội đồng họ Lê TP.HCM đọc Lời khấn Đức Thái Tổ Cao Hoàng Đế.

“Là những người con của dòng họ Lê, chúng ta vô cùng biết ơn Chùa Trấn Quốc, do, nơi tôn nghiêm phụng thờ Đức Thái Tổ Cao Hoàng Đế Lê Lợi, Đức Trung túc vương Lê Lai và trung thần Nguyễn Trãi từ rất nhiều năm qua”. Đại tá Lê Duy Minh, Chủ tịch Hội đồng họ Lê TP. HCM chia sẻ.

Thượng tọa Thích Giác Định chủ trì lễ Dâng hương cúng dường Đức Thái Tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi.

Vào những ngày này, nhân dân cả nước nói chung, Người Thanh Hóa và bà con họ Lê nói riêng ở khắp mọi nơi, đang hướng về Lam Kinh, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, nơi tôn nghiêm phụng thờ để kỷ niệm 605 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 595 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang 590 năm ngày mất của Đức Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi. Để tưởng nhớ, tôn vinh, tri ân Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vua Lê, các tướng sĩ và nhân dân có công lao đóng góp trong lịch sử dựng nước và giữ nước; khơi dậy nét đẹp truyền thống văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bá Cường

 

Trả lời