You are currently viewing Túi an sinh ở TP HCM được triển khai ra sao?

Túi an sinh ở TP HCM được triển khai ra sao?

Sau ba cuộc gọi tổng đài 1022 thất bại, nữ công nhân Diễm Hương nhắn tin vào trang Facebook Mặt trận TP HCM tìm sự trợ giúp thực phẩm khi thành phố siết giãn cách.

Gia đình chị Diễm Hương trọ tại hẻm nhỏ đường Dương Đình Hội, phường Phước Long B (TP Thủ Đức). Chồng làm thợ hồ theo công trình bị “mắc kẹt” ở Bình Dương gần 2 tháng qua. Đầu tháng 7, khi thành phố giãn cách theo Chỉ thị 16, mất việc làm, lo những ngày tới không có lương thực, chị Hương lên kế hoạch chạy xe máy chở con gái, mẹ ruột về quê nhà ở Gia Lai nhưng chủ trọ cản lại vì đường xa nguy hiểm.

Gia đình chị Diễm Hương nhận hỗ trợ thực phẩm của phường Phước Long B. Ảnh: An Phương

“Nghĩ lại tôi thấy mình may mắn khi ở lại thành phố”, chị Hương nói và cho biết đã nhận được phản hồi sau khi gửi tin nhắn vào trang Facebook Mặt trận TP HCM. Sau hai ngày, bộ đội và cán bộ an sinh phường mang theo túi lương thực, thực phẩm phát cho cả khu trọ, thêm sữa cho con gái 27 tháng tuổi.

Không may mắn như chị Diễm Hương, gần hai tháng qua, gia đình nam công nhân Nguyễn Vũ Phong, thuê trọ tại 118 Nguyễn Thị Thập, phường Bình Thuận, quận 7 chưa nhận được sự giúp đỡ nào từ địa phương dù nhiều lần liên hệ.

Khu trọ anh Phong thuê có 5 phòng với 2 trẻ em và 9 người lớn làm đủ nghề từ công nhân, thợ hồ, phục vụ nhà hàng… mất việc gần hai tháng qua, cuộc sống lâm vào cảnh khốn khó. Đầu tháng 7, nghe tin thành phố có gói hỗ trợ, cả xóm đăng ký rồi gửi lên phường nhưng chờ mãi không thấy. Riêng anh Phong, một tuần qua 4 lần vào mạng đăng ký nhận túi an sinh theo mẫu của thành phố nhưng vẫn “biệt vô âm tín”.

Nam công nhân nói rằng nếu chỉ một mình sẽ chấp nhận ăn mì gói cầm cự qua ngày nhưng “kẹt” vợ bầu, mẹ lớn tuổi bị tai biến, rất mong chính quyền giúp đỡ ít lương thực vượt qua những ngày thành phố siết giãn cách.

Gia đình chị Hương, anh Phong là hai trong hơn 1,5 triệu hộ lao động nghèo và hơn một triệu công nhân làm việc ở các nhà máy tạm nghỉ việc ở nhà trông chờ vào sự giúp đỡ lương thực khi thành phố yêu cầu người dân “ai ở đâu yên đó”. Trong đó có không ít người “đăng ký mãi vẫn chưa nhận được gì”.

Ông Hồ Văn Dòn, Phó giám đốc Trung tâm an sinh quận 7 cho biết từ ngày 15/8 đến nay Trung tâm an sinh quận đã chuyển 79 tấn gạo, 8.200 thùng mì và 15.000 túi an sinh về phường để hỗ trợ người khó khăn. Liên đoàn lao động quận 7 có 1.000 phần quà là nhu yếu phẩm giúp đỡ công nhân.

Người lao động ở khu trọ của anh Nguyễn Vũ Phong chưa nhận được sự hỗ trợ nào dù nhiều lần liên hệ. Ảnh: An Phương

“Tuy nhiên khó có thể ‘phủ’ hết bởi số lượng lao động, công nhân trên địa bàn rất lớn”, ông Dòn nói và cho biết 10 phường có 45.000 phòng trọ, mỗi phòng 2-3 người. Riêng công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận sinh sống tại quận khoảng 45.000 người. Từ ngày 15/7, nhiều nhà máy ngưng sản xuất, số khác chỉ duy trì công suất 15-30%, nhiều người phải nghỉ việc tạo áp lực rất lớn cho địa phương bởi nhu cầu lương thực tăng cao.

Để giảm bớt tình trạng “bỏ sót” người khó khăn, 10 trung tâm an sinh cấp phường ở quận 7 đăng số điện thoại lên mạng xã hội, in các tờ rơi đầu mối liên hệ nhận túi an sinh, hỗ trợ y tế, gói hỗ trợ tiền dán ở các khu nhà trọ, khu phố để người dân liên hệ.

Tại quận Gò Vấp, ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch UBND phường 14 cho hay khi đợt dịch thứ tư bùng phát, phường chủ động nắm danh sách hơn 8.000 hộ nghèo, lao động tự do trên địa bàn để giúp đỡ. Ngoài hàng hóa từ trên đưa về, phường, khu phố còn vận động nhà hảo tâm hỗ trợ gạo, mì, rau củ tiếp tế người dân. Tuy nhiên giãn cách kéo dài, việc vận động gặp khó bởi “nhiều người đã đuối sức” trong khi nhu cầu của người dân tăng lên.

Bà Nguyễn Thu Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Bình Thạnh kiêm giám đốc Trung tâm an sinh quận cho hay địa bàn có hơn 72.500 hộ thuộc diện được hỗ trợ túi an sinh, song đến nay chưa trao được hết vì hàng hóa về theo từng đợt. Một số gia đình chưa nhận được do “đang chờ tới lượt”. Chưa kể, thời gian giãn cách lâu nên số người khó khăn phát sinh càng nhiều.

“Lực lượng phục vụ, hỗ trợ người dân đang quá tải, chúng tôi đang cố gắng khắc phục”, bà Hương nói và cho biết mặt trận quận, phường, khu phố tăng cường thêm các kênh kết nối trực tuyến, trực tiếp người dân để tiếp nhận thông tin các trường hợp cần giúp đỡ.

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM kiêm Phó giám đốc thường trực Trung tâm an sinh TP HCM cho hay để cứu trợ người dân khó khăn đơn vị đã không ngừng tăng số lượng túi an sinh.

“Kế hoạch ban đầu là 266.000 túi, sau đó tăng lên một triệu và hiện vận động được 1,8 triệu, kế hoạch đến 15/9 hơn 2 triệu túi”, ông Tuấn nói và cho biết từ ngày 15/8 đến nay, Trung tâm an sinh TP HCM chuyển hơn 960.000 túi cho TP Thủ Đức, quận, huyện. Từ ngày 20/8, trung tâm thành lập Đội SOS để hỗ trợ người dân trong trường hợp khẩn cấp. Riêng đội này đã chuyển hơn 5.000 túi đến người khó khăn.

Ông Tuấn cho biết thêm ngoài 2 triệu túi an sinh, mỗi ngày tất cả rau củ, lương thực, hàng hóa thiết yếu… trung tâm tiếp nhận được đều được đưa ngay xuống các địa phương để chuyển đến người dân. TP Thủ Đức, quận, huyện còn vận động hơn 130.000 phần để giúp dân. Hiện chính quyền thành phố tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ cho một triệu hộ lao động khó khăn, mỗi hộ 1,5 triệu đồng tiền mặt, đang được mặt trận giám sát.

“Tuy nhiên vẫn có trường hợp chưa được giúp đỡ hoặc thời gian hỗ trợ đã quá một tuần, 10 ngày, người dân cần chăm đợt lương thực mới”, ông Tuấn nói và cho biết những người đã kết nối với trung tâm an sinh thì thông tin đã lưu lại trên hệ thống “An sinh TP HCM”. Các địa phương sẽ chủ động tiếp tế những đợt sau. Từ 29/8, người dân thông qua kênh Zalo 1022 TP HCM để đề nghị hỗ trợ.

Hiện, ngoài Trung tâm an sinh được triển khai ở 3 cấp (thành phố, quận, huyện, xã, phường), tổ chức công đoàn cũng đang trao 150.000 phần quà đến công nhân lao động. Bộ Tư lệnh TP HCM thực hiện chiến dịch hỗ trợ 100.000 túi quà đến người lao động, sinh viên ở thành phố…

Trong đợt dịch thứ 4, từ đầu tháng 6/2021, TP HCM đã triển khai nhiều biện pháp giãn cách xã hội với các cấp độ thắt chặt tăng dần. Để hỗ trợ người dân, ngoài gói 26.000 tỷ đồng áp dụng toàn quốc, thành phố triển khai hai gói hỗ trợ riêng tổng trị giá gần 1.800 tỷ đồng, vừa bổ sung hơn 2.500 tỷ đồng. Mới đây, TP HCM kiến nghị Chính phủ hỗ trợ gần 28.000 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo giúp hơn 1,5 triệu hộ dân (khoảng 4,7 triệu người) khó khăn do Covid-19.

Nguồn: vnexpress.net

Để lại một bình luận