Vừa qua, Hội đồng hương Thanh Hóa phía Nam đã phối hợp với Tập đoàn FLC tổ chức Kế hoạch đón công dân tỉnh Thanh Hóa khu vực phía Nam có nhu cầu cấp thiết về quê. DNVN đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Tiến Dũng- Chủ tịch CLB Doanh nhân Thanh Hóa tại TP. Hồ Chí Minh (HTBC), thành viên ban tổ chức xung quanh vấn đề này.
Trước làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đang diễn ra hết sức phức tạp, xin ông cho biết tình hình về đời sống, tâm tư nguyện vọng của bà con nhân dân Thanh Hóa tại các tỉnh, thành phía Nam?
Ông Trịnh Tiến Dũng: Bắt đầu từ khi đại dịch COVID-19 diễn ra, có lẽ đây là giai đoạn có số ca nhiễm và tử vong không ngừng tăng với tốc độ nhanh. Đại dịch đang ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống xã hội. Sau khi 19 tỉnh, thành phía Nam giãn cách theo Chỉ thị 16, các hoạt động đình đốn, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiện các địa phương trong đó có TP Hồ Chí Minh đã tổ chức có điều kiện các chợ truyền thống, siêu thị cung cấp nhu cầu thiết yếu; người dân đã được đi mua sắm theo lịch. Các nhu cầu thiết yếu dần được đáp ứng. Chính quyền các địa phương đang thắt chặt hơn nữa việc giãn cách theo Chỉ thị 16, đây là việc cần thiết để sớm dập dịch. Ở một số khu vực, nhất là các xóm trọ nghèo, đại dịch kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Thời gian vừa qua, Hội đồng hương Thanh Hóa tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, HTBC đang tích cực phối hợp, tiếp cận thông tin để có các chương trình hỗ trợ đồng hương Thanh Hóa cũng như người lao động tự do gặp khó khăn ở các tỉnh khác đang sinh sống tại phía Nam được kịp thời.
Ông Trịnh Tiến Dũng- Chủ tịch CLB Doanh nhân Thanh Hóa tại TP Hồ Chí Minh, thành viên ban tổ chức.
Được biết, vừa qua Hội đồng hương Thanh Hóa tại các tỉnh phía Nam có kế hoạch phối hợp đưa người dân Thanh Hóa có nhu cầu cấp thiết về quê, ông có thể cho biết kế hoạch cụ thể?
Ông Trịnh Tiến Dũng: Được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, Hội đồng hương tỉnh Thanh Hóa tại TP Hồ Chí Minh, Tập đoàn FLC và Hãng hàng không Bamboo Airways đã lập Kế hoạch đón công dân tỉnh Thanh Hóa đang làm việc, sinh sống, học tập tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có nhu cầu cấp thiết và có nguyện vọng về quê hương do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Trong những ngày qua, do nhu cầu quá lớn (ước tính khoảng hơn 25 ngàn người), chúng tôi nhận thấy việc tiếp nhận thông tin qua điện thoại gần như vượt quá khả năng xử lý của các thành viên. Vì vậy, chúng tôi đã nhắn tin và thông báo qua các phương tiện thông tin đại chúng để bà con yên tâm chờ đợi phương hướng giải quyết. Ban tổ chức chúng tôi giao ban trực tuyến thường xuyên để bàn phương hướng tiếp cận thông tin. Hiện, chúng tôi đã đi đến thống nhất phân công 27 đầu mối với khoảng gần 60 số điện thoại đại diện cho các huyện, thị, thành phố. Người dân sẽ được các thành viên nêu trên hướng dẫn, tư vấn để được bố trí về quê nếu có nhu cầu thực sự cần thiết.
CLB Doanh nhân Thanh Hóa tại TP Hồ Chí Minh (HTBC) thực hiện nhiều hoạt động xã hội hướng về quê hương Thanh Hóa.
Ông có nhắn nhủ gì tới đồng hương đang công tác, sinh sống, lao động và học tập tại các tỉnh, thành phía Nam?
Ông Trịnh Tiến Dũng: Theo kế hoạch, ban tổ chức sẽ bố trí để hỗ trợ khoảng 1000 người về quê. Đây là con số rất nhỏ nếu xét về nhu cầu thực tế (khoảng 25 ngàn người). Đúng là nhiều người lao động đang gặp vô vàn khó khăn, nhiều người mất việc làm; nhiều người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em… Tuy nhiên, dịch bệnh ngày càng phức tạp. Mặc dù tỉnh Thanh Hóa đang chống dịch rất tốt, nhưng hiện ở phía Bắc thì Hà Nội cũng đã phải giãn cách toàn thành phố khi số ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao. Tôi mong muốn bà con hết sức cân nhắc khi quyết định về quê.
Hiện, Hội đồng hương Thanh Hóa phía Nam, HTBC thường xuyên thống kê, cập nhật nhu cầu về quê của bà con, tình hình chung của bà con Thanh Hóa gặp khó khăn ở các khu vực. Chúng tôi đã và đang kêu gọi nhiều nguồn lực để có kế hoạch giúp đỡ bà con Thanh Hóa cũng như bà con các tỉnh khác gặp khó khăn. Ngoài ra, chúng tôi sẽ phối kết hợp chặt chẽ với các đầu mối để hỗ trợ bà con kịp thời nhất.
Mặt khác, để đưa số lượng lớn công dân về quê sẽ gây áp lực lớn về an sinh, xã hội cho Thanh Hóa và các tỉnh khác, áp lực các khu cách ly và có thể gây lây lan dịch bệnh. Sau khi hết dịch, việc khôi phục lại sản xuất, kinh doanh sẽ gây ra hiện tượng đứt gãy chuỗi nhân lực, ảnh hưởng tới quá trình khôi phục nền kinh tế.
Cuối cùng, thay mặt Hội đồng hương Thanh Hóa và HTBC, xin kính chúc bà con luôn mạnh khỏe, giữ vững tinh thần để chiến thắng dịch bệnh. Mong đất nước ta sớm vượt qua đại dịch!
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Cảnh (Thực hiện)