You are currently viewing [MS03] Tết xa nhà

[MS03] Tết xa nhà

[Bài dự thi Cuộc thi sáng tác Tết Quê]

Một mùa xuân lại đang về, phố xá cũng bắt đầu nhộn nhịp hơn,  mọi người đang xôn xao sắm Tết, khiến lòng tôi bất chợt bâng khuâng, háo hức. Nhìn những cành đào, cành mai rong ruổi trên phố, có mấy ai lại không thấy “nao lòng”. Cảm xúc nhớ gia đình, quê hương của người con xa quê lại rạo rực khó tả. Trong cuộc đời của mỗi con người chúng ta, ai cũng có gia đình và có một quê hương để trở về sau những bộn bề của cuộc sống. Nơi ấy là nơi ta cất tiếng khóc chào đời với biết bao nhiêu kỉ niệm tuổi thơ và chất chứa những buồn vui cho đến lúc trưởng thành. Không ai lớn lên không muốn mình được gắn bó với quê hương, được cống hiến cho quê hương và sống giữa quê hương của chính mình. Nhưng vì hoàn cảnh nào đó mà phải rời xa quê hương đi đến vùng đất mới xa lạ để học tập và làm việc. Người ta làm lụng, dành dụm cả năm cũng để mong sao cho cái Tết thật trọn vẹn. Trong giây phút mà lòng người chỉ biết hướng về quê hương ấy, vẫn man mác đâu đây một nỗi buồn mang tên “ăn Tết xa nhà”.

Khi những tờ lịch cuối cùng của năm cũ gỡ xuống cũng là lúc lòng ta chạnh buồn nghĩ tới quê hương, nghĩ đến cái tết nơi quê nhà với bao những kỷ niệm khó quên. Năm nay, đại dịch covid đã làm cho kinh tế của mọi người gặp khó khăn khiến cho những người con xa quê không thể về quê ăn tết được. Nửa năm trời dịch bệnh đâu ai đi làm được gì để có tiền mua vé về quê, rồi tiền đâu mua quà tết biếu bố mẹ, tiền đâu lì xì các em, các cháu ở nhà. Nghĩ đến vậy thôi là lại thấy chạnh lòng. Nhiều năm rồi xa quê, nhiều năm rồi tôi đón tết ở phương Nam, những cái Tết quê năm nào cứ dần lùi vào kỉ niệm.

Năm nay thay vì được cùng gia đình sắm sửa, quây quần cho đúng cái nghĩa “Tết đoàn viên” ấy, tôi vẫn phải “lăn lộn” với công việc, cuộc sống nơi xa quê. Tết với những người con xa quê cũng chẳng được an nhàn. Vốn đã không được tận hưởng sự ấm cúng bên gia đình, người thân, lại phải tự cuốn mình vào “vòng xoáy” hối hả của cuộc sống. Tết càng gần, nỗi nghẹn ngào, lạc lõng lại càng da diết.

“Ăn Tết xa nhà”  ai không trong hoàn cảnh ấy có lẽ khó lòng mà thấu hiểu được, khó lòng mà cảm nhận trọn vẹn cái “mùi vị” cô đơn ấy. Tết xa nhà, “thèm” đủ thứ, “thèm” một bữa tất niên đoàn viên, “thèm” cái hơi khói quê hương trong nồi bánh chưng,  “thèm” được đi đây, đi đó cùng gia đình, người thân, “thèm” cái khoảnh khắc giao thừa, “thèm” phong bao lì xì đỏ, “thèm” lắm cả nồi thịt kho, củ hành muối của mẹ, nhưng “thèm khát” nhất, có lẽ là hương vị của gia đình, của tình thân.

Hình ảnh tết 2018 bữa cơm sum vầy cùng người thân

Tôi vẫn nhớ như in cái tết năm 2018, một cái tết trọn vẹn nhất của gia đình tôi có đầy đủ bố mẹ và ba chị em tôi. Hồi đó tôi còn đang là sinh viên nên tết tui thường cúp học trước một tuần để về quê ăn tết, một phần về sớm vì giá vé rẻ, phần khác là về sớm để có nhiều thời gian ở nhà với bố mẹ hơn sau suốt một năm đi học xa nhà. Là sinh viên vẫn phải nhận trợ cấp từ bố mẹ, nhưng cả năm tôi cũng dành dụm được một ít tiền để mua cho bố mẹ chút quà tết gọi là. Về đến nhà là tôi đã bắt đầu dọn dẹp nhà cửa để đón tết, qua nhiều ngày dọn dẹp thì căn nhà được khoác lên mình chiếc áo mới, dường như nó cũng vui lây theo niềm vui con người. Không khí ngày tết thật yên bình khác hẳn với cái không khí náo nhiệt ồn ào ở thành phố, các chợ huyện đã mở từ sớm để mọi người có thể chuẩn bị mua sắm đồ. Hình ảnh người bà, người mẹ đi chợ Tết mang về những bó lá dong cùng vài cái ống giang chẻ lạt để gói bánh như làm nóng lên nỗi lòng chờ đón Tết của lũ trẻ thơ. Tôi thích ngày cuối năm làm chân xách đồ cho mẹ đi chợ Tết, mệt mà vui lắm. Vào những ngày này tôi và mẹ tôi thường dậy rất sớm để mua đồ những hộp bánh, kẹo thơm lừng, những trái cây chín mọng. Còn bố tôi cùng với các bác, chú cùng nhau đi xuống các vườn cây cảnh để chọn cho gia đình một cành đào hoặc quất ưng ý nhất để chưng trong nhà, tôi và các em tôi thì cùng nhau trang trí nhà cửa cây cảnh. Thấy không khí rộn rã của Tết ở xung quanh.

Hình ảnh gói bánh chưng ngày tết

Buổi chiều tối gia đình tôi quây quần gói bánh chưng, gói giò, gói nem chua… giai đoạn chuẩn bị vật liệu tuy vất vả nhưng lại rất vui vì được tự tay làm ra các món ăn truyền thống của dân tộc. Tối đến mọi người thức để canh nồi bánh chưng. Tiếng nước sôi kêu lục bục trong nồi nghe vui tai đến lạ. Đúng 8 giờ tối gia đình tôi sum vầy cùng nhau  xem táo quân, cắn hạt dưa và đón giao thừa cùng nhau. Tôi vẫn nhớ như in tiếng pháo hoa trong đêm giao thừa năm ấy, nhớ tiếng lũ trẻ con chơi đùa râm ran chạy từ nhà này đến nhà khác. Nhớ những phong bao lì xì đỏ chót, nhớ những lần lễ chùa đầu năm cùng bố mẹ… Nhớ những năm trước vẫn cùng mẹ tất bật làm mâm cúng giao thừa, thế nhưng năm nay con lại đón Tết ở một nơi khác. Không có con liệu mẹ có vất vả dọn dẹp nhà cửa? Mọi người liệu có cùng tụ tập sưởi ấm bên nồi bánh chưng? Năm nay mọi thứ lại cũng chỉ còn là kỷ niệm vì dịch bệnh không thể về quê được, lại một năm nữa ăn tết xa nhà. Con nhớ ba mẹ nhiều lắm, mong rằng con sẽ sớm được về bên bố mẹ để ăn những món ăn hương vị thân thuộc do chính tay bố mẹ nấu.

Tết xa nhà là cái cảm giác giây phút giao thừa quay mặt đi để lau nhanh dòng nước mắt. Là cảm giác lạc lõng một mình nơi thành phố đông người nhưng lại thiếu đi người thân.

Là khoảnh khắc một mình bên mâm cơm mà chẳng thể nói cười hay san sẻ cùng gia đình thân yêu. Là tủi hờn mà những đứa con xa quê cùng nhau nuốt trọn vào lòng.

Sống trong này cũng nhiều năm nên tôi cũng có quen nhiều bạn cũng ở các tỉnh lẻ lên Thành phố làm việc, năm nay do dịch nên họ cũng không về được và chúng tôi sẽ tụ tập đón một cái tết xa nhà chung với nhau, nấu cho nhau vài món ăn ngon, kể cho nhau đôi ba câu chuyện cho qua cái Tết, cũng thú vị đấy chứ. Trải qua cảm giác ấy, họ mới càng thêm yêu, thêm trân trọng nơi “chôn rau cắt rốn” của mình. Ấy vậy mà cuộc sống bận rộn, lắm những mối bận tâm khiến nhiều người quên bẵng đi “Tết đoàn viên” của mình, điều mà biết bao người còn đang “thèm khát” mà không được ấy. Các bạn ạ, mùa sum họp cả năm chỉ có một lần, dù bạn là ai, dù bạn làm gì, dù xa xôi cách trở, nếu có thể đừng quên về nhà đoàn tụ với những người thân yêu của mình nhé.

THÔNG TIN TÁC GIẢ:

Trần Thị Hà                  
Đơn vị công tác: Công ty Trường Thịnh Phát.
Quê quán: Thiệu Hóa, Thanh Hóa.
Email: hatran081196@gmail.com

Trả lời