You are currently viewing [MS02] Tết sum vầy

[MS02] Tết sum vầy

[Bài dự thi Cuộc thi sáng tác Tết Quê]

Tháng chạp của thuở ấu thơ. Đêm khó ngủ lắm chỉ mong trời sáng. Sáng mẹ gọi dậy đi học. Nằm cố thủ trong chăn ấm, chẳng muốn đến trường. Đến trường cũng chẳng thuộc bài.

Sắp Tết rồi. Đường về nhà lất phất mưa phùn. Thi thoảng nắng vàng ươm. Con đường quê bỗng rộn tiếng nói cười. Những chiếc xe đạp thồ cột thêm hai càng gỗ dài thồ hoa quả từ miền trên về, rất đẹp và thơm ngát.

Kể sao hết triền dài tháng Chạp, ngọt lành trong ký ức ấu dại ấy. Mùa giỗ kỵ cũng bắt đầu dày, khói lam chiều bung lởn vởn trên những mái nhà. Thật an lành và đầm ấm. Mùi nhang thơm quyện với mâm cỗ thơm đến nao lòng.

Cơn mưa xuân mang theo những cơn gió rét nhè nhẹ thổi qua trước hiên nhà. Những ngày cuối của năm nhìn dòng người đi lại hối hả kẻ đi người đến, ai cũng mang trên mình một gương mặt vui tươi phấn khởi để đón chào một năm mới.


Tết là vậy đấy! Thấy tết là thấy muôn vàn sắc màu của hoa đào đỏ, hoa mai vàng, bánh chưng xanh… Là chợ xuân vui tươi rộn rã tiếng cười nhà nhà sắm tết. Là nụ cười tươi rói đang vẫy chào của cô chú bán hàng hoa, hàng quà. Là các em thơ xúng xính áo quần,đôi môi chúm chím tay cầm bao lì xì đỏ.

Tết là ngày để những người con xa quê trở về, là ngày cả gia đình quây quần bên nhau canh nồi bánh chưng, nói chuyện vui vẻ, có người để kể để lắng nghe ta nói huyên thiên về những chuyện đã trải qua sau một năm. Cả gia đình ngồi bên nhau ăn bữa cơm tất niên ấm cúng, cùng nhau đếm ngược trải qua những giây phút cuối cùng của năm cũ và rồi bước sang năm mới mọi người chúc nhau những câu chúc bình an khoẻ mạnh.

Tết là khi nhìn thấy những nếp nhăn trên vầng trán của mẹ, những sợi tóc điểm bạc trên mái đầu của ba. Là khi nhận ra đẫ rất lâu mình chưa được trở về nhà , đã có nhều sự đổi thay do tuổi tác trên gương mặt của những người thân thương trong gia đình. Là nhận ra bản thân mỗi ngày một trưởng thành mang trên mình những trách nhiệm của cuộc sống . Là suy nghĩ đủ chín chắn để hiểu được điều mình muốn làm là gì và điều mình phải làm là gì !

Thật hạnh phúc khi ta có một nơi để trở về sau những tháng ngày bon chen mệt mỏi giữa chốn phồn hoa đô thị.

Đầm ấm, hạnh phúc!! Vậy mà, như một giấc chiêm bao, cái đứa ngủ lười tung chăn ngồi dậy, nhìn quanh Tết đã đi rồi. Lại nhẩm xem còn bao ngày lại tết. Thời gian cuốn xô đi mãi, thêm tuổi rồi lại thêm một tuổi. Thật an lành còn ký ức tháng Chạp ban sơ để thương để nhớ. Thật hạnh phúc còn tháng Chạp an yên để đợi để chờ.

Thời gian thấm thoát trôi. Bao năm phố thị bon chen, mỗi lần về quê vẫn thấy những vòng tay đầy dịu vợi, không chút toan tính nghĩ suy. Ký ức đẫm buồn. Quê nhà đêm mong tiếng chó sủa khan, biết có người về từ xa xứ. Là chiếc xe đạp cọc cạch không đủ kiên nhẫn, phải ra đến ngã ba huyện chờ em, chờ con. Vòng tay người quê thật rộng, ôm đủ bộn bề lo toan, ôm cả những ngọt ngào mặn đắng.

Quê nào cũng ngậm ngùi, người ở lại cơ cực, người đi còn lắm gian truân. Lần lựa mãi, có người mười năm, hai mươi năm lỗi hẹn với cái Tết quê nhà.

Nhưng có khi con mắt ly hương thực dụng quá, nhìn quê cũng nặng được mất hơn thua, bon chen mà quên tình quê. Người quê muôn thuở bao dung, muôn thuở chân thành. Vô tư như tiếng gà gáy sáng, tiếng gánh kẽo kẹt vang miền ký ức ngọt lành, nào phân biệt người khổ, người sang.

Một năm chắt chiu, hai năm dành dụm, quý giá nhất là nỗi xuyến xao buổi giao mùa. Là trời đất quê mở rộng mắt nhìn, là bước chân mẹ cha bịn rịn từ đầu con ngõ.

Một giấc thị thành được-mất-trả-vay, giật mình thấy cọng rơm trên đường quê, cây lộc vừng xõa xuống ấu thơ, khói lam chiều lem màu ngói cũ… biết mình còn nguyên vẹn là mình. Một giấc thị thành, vương vấn nhất là phút giây này. Là những bon chen khép lại trong một xốn xang trong trẻo. Là chúng ta, đã có rất nhiều.

Quà cho nhau, có gì quý hơn gương mặt, hình bóng vẹn nguyên sau cách trở. Quà cho nhau, có gì ý nghĩa hơn nụ cười nước mắt hạnh ngộ vơi đầy. Còn có bao nhiêu lần như vậy trong đời…

Có những lời hứa : “Mẹ ơi đường chẳng còn xa. Con đi một đoạn nữa là về đến quê…”

Cũng như bao người con tha phương, cha mẹ ngồi trông bên thềm vắng, nhưng chẳng đứa nào giữ đúng hẹn để trở về, đứa nào cũng còn một đoạn nữa nhưng mãi không về. Bao năm như vậy cứ trôi qua trong sự khắc khoải, mong chờ đứa con xa… Góc quê đó còn đau đáu hơn khi trở về nhưng không còn mẹ ngồi bên hiên nhà.

Về được thì về thì hãy gắng về, đừng nghĩ…!

Tác giả: Little one

Trả lời