You are currently viewing [MS01] Cái Tết thứ ba

[MS01] Cái Tết thứ ba

[Bài dự thi Cuộc thi sáng tác Tết Quê]

Thời gian càng ngày thấy trôi càng nhanh, mới đó lại chuẩn bị xách ba lô về quê ăn Tết. Một năm covid 19 nữa lại qua đi, một năm mà các thanh niên lại nhìn nhau cười rồi nói nhẹ: “Năm nay xé nháp nha!”. Tuy là xé nháp thôi nhưng tết mà…ai cũng được về quê sum họp, quây quần bên gia đình. Cùng nhau ăn bữa cơm rồi hoài niệm về năm cũ và ước mong cho một năm mới sắp tơi. Em nghĩ các bạn trẻ tham gia chương trình này sẽ kể về một cái Tết tươi đẹp, vui vẻ và đầy tiếng cười. Nhưng em ngược lại, em sẽ kể về một cái Tết nhiều nước mắt hơn tiếng cười. Nước mắt của sự hụt hẫng của sự đau buồn pha lẫn cả hạnh phúc và cả sự ấm áp.

“Cái Tết thứ 3” mà em nhắc đến ở đây là đã 2 cái Tết rồi gia đình em đã thiếu vắng đi một thành viên rất quan trọng và cái tết sắp tới năm 2022 năm Nhâm Dần là cái Tết thứ 3 thiếu vắng đi khuôn mặt, hình dáng của người đàn ông trụ cột chính của gia đình đó là Bố của em.

Nhớ về cái Tết khi có Bố cứ 27, 28 âm lịch là 5 Bố con lôi bàn ghế ra giữa sân kì cọ, lục tung cả căn nhà lên để dọn dẹp. Rồi đến 29 âm lịch là bắt đầu Mẹ mua đồ để chuẩn bị gói Bánh Chưng. Mẹ em thì vất vả lắm một mình mẹ năm nào cũng mãi 30 mới được nghỉ, thế nên việc dọn dẹp, Bánh Chưng với trang trí nhà cửa là Bố con em đảm nhiệm hết. Cứ như thế cũng thành thói quen mẹ đi làm vất vả thì Bố con em dọn dẹp.

Rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến Bố đã xa Mẹ và chúng em đi đến một nơi lạnh lẽo ở rất rất xa. Và rồi cái tết đầu tiên vắng bóng Bố. Em và bé gái thứ 2 nhà em lớn rồi nên đã nhận thấy sự thiếu hụt đó, cố gắng tránh không nhắc tới, vì sợ nỗi đau buồn trở lại. Nhưng hai bé nhỏ nhà em còn khá ngây thơ những câu hỏi vô ý khiến Mẹ và các chị em không kìm được nước mắt. Bé Út nói : “Chị ơi…Năm nay không có Bố không ai gói bánh chưng nhỏ cho em nữa..”, “Chị Trang ơi! Bàn ghế nặng lắm chị em ta có khênh ra sân được không…”.  Rồi có đôi lần đang ngồi ăn cơm bé lai hỏi: “Mẹ ơi! Nay có phải mời Bố mời cơm nữa không ạ”. Mẹ nghẹn không nói nên lời rồi cả nhà lại cứ thế mà khóc òa lên.

Em là người Công Giáo nên cứ trước khi sang canh nhà em thường đọc kinh cầu nguyện cho năm mới sắp tới. Và năm đầu tiên chuân bị đón Tết khi không có Bố, cũng khoảng 9h tối mọi người đến nhà em đông lắm ông bà nội ngoài, họ hàng trong gia đình cùng với hàng xóm đến để đọc kinh cầu nguyện cùng với Mẹ và chúng em. Đọc kinh xong Mẹ và chúng em chỉ biết ngồi khóc. Khóc vì thiếu đi người Chồng của Mẹ, người Bố của chị em chúng em.Và khóc vì nhận được sự ấp áp sự động viên từ tất cả mọi người trong đại gia đình và hàng xóm láng giềng. Mọi người an ủi rồi khuyên dạy chị em em mãi tới khuya mọi người mới về. Đêm hôm đó giường mẹ và chúng em thức trắng.  Đến 4h sáng cả nhà chuẩn bị đến nhà thờ dự lễ hái lộc đầu năm và nhận lì xì từ Cha xứ. Lộc Xuân là những lời Chúa dạy về đạo đức, yêu thương, bình an và hạnh phúc…Rồi mọi người từ nhà thờ di chuyển qua nhà văn hóa thôn, cực kì nghiêm trang để dự lễ Chào cơ mừng năm mới.

Mùng 1 Tết, Mẹ và chúng em cũng chỉ đi chúc tết ông bà nội ngoại rồi về nhà không đi đâu thêm nữa. Vì nhà mình đang có một dấu chấm đen và không muốn mang cái chấm đó đến nhà ai vào một ngày đầu của một năm mới. Nhưng nhà em không lúc nào không có người, hầu như cả làng ai cũng đến thắp cho Bố một nén hương rồi an ủi mẹ, dặn dò chị em em đủ điều. Em là chị cả nên mọi người kỳ vọng vào em nhiều nhất. Các bác dặn em ráng học cho xong đại học rồi đi làm phụ Mẹ, một mình Mẹ nuôi 4 chị em ăn học vất vả lắm. Là chị cả phải biết yêu thương Mẹ và các em, phải thật mạnh mẽ thật kiên cường thì Mẹ với các em mới dựa vào được…Mỗi lượt người vào ra Mẹ con em chỉ biêt khóc rồi cảm ơn mọi người. Em dặn lòng phải thật mạnh mẽ, phải là người mạnh mẽ nhất trong nhà nhưng em không làm được, em lại là người khóc nhiều nhất trong nhà. Khóc vì thương Bố, thương Mẹ và thương các em nhưng chưa giúp được gì. Không biết như thế nào mọi người chỉ vào nhà chưa nói gì là Mẹ và chúng em lại nước mắt ngắn nước mắt dài. Khóc vì thật sự rất nhất Bố, khóc vì mọi người trong làng rất yêu thương và đồng cảm với Mẹ và chúng em. Rồi qua mùng 2 Tết ngày này rất đặc biệt với người Công Giao chúng em, vì đây là dịp để tất cả con cháu tụ họp nơi vườn Thánh (nghĩa trang) để sửa sang phần mộ, thắp nén hương và dâng lễ cầu nguyện cho linh hồn ông bà tổ tiên được về nơi Thiên Đàng. Mẹ và chúng em cũng lên với Bố và cầu nguyện cho Bố ở nơi xa vẫn luôn dõi theo Mẹ và chúng em. Rồi cứ thế Xuân đầu tiên thiếu vắng bóng Bố cũng trôi qua.

Đến cái Tết thứ 2 vắng bóng Bố (năm 2021). Vì học tập và công việc làm thêm nên đến tận đêm ngày 29 Tết em mới được nghỉ làm. Đặt vé máy bay 2h sáng bay nhưng bị trì hoãn đến mãi 4h chiều mới bay được, về tới sân bay Thọ Xuân là đã hơn 6h tối rồi gọi đại một chiếc taxi chở về đến nhà, tới nhà là đã hơn 20h còn mấy tiếng nữa là Giao Thừa. Bước xuống xe, một đám em gái với em họ con nhà chú 4-5 đứa chạy ra đón chị Trang về. Vừa vào đến nhà Mẹ nhìn em Mẹ khóc, rồi mẹ ngước mặt lên bàn thờ Bố nói: ”Con anh mãi đến giờ này mới được về ăn Tết”. Nghe mẹ nói xong em cũng đứng cứ thế mà khóc, mấy đứa nhỏ đứng cạnh chị cũng sụt sịt theo chị mà khóc. Lúc đó em tự hứa với lòng sẽ không để năm nào về quê ăn Tết trễ nữa. Nhưng thật sự em thấy tiếc một điều là suốt chừng ấy năm gia đinh em chưa có một tấm hình chụp chung, cái nào cũng bị thiếu mất một thành viên. Em chỉ mong muốn năm nay dịch không còn phức tạp nữa để em được về sớm bên Mẹ và các em để chuẩn bị cho một năm mới.

Ngồi kể như nay em lại thầm nghĩ: “Bố ơi! Chuân bị sắp tới là cái Tết thứ 3 Mẹ và các con thiếu vắng Bố. Tuy nhiên, con vẫn tin rằng Bố vẫn hiện diện đâu đó quanh Mẹ và chúng con. Con vẫn tin rằng Bố sẽ lắng nghe những điều con nói với Bố. Xin Bố hãy yên lòng, chúng con sẽ kính yêu và phụng dưỡng Mẹ. Chúng con sẽ không để Mẹ phải hối tiếc khi có những người con như chúng con. Gửi Mẹ: “Mẹ ơi! Con cảm ơn Mẹ vì thời gian qua đã yêu thương chăm sóc chúng con, và con chỉ muốn nói là Con yêu mẹ nhiều lắm”. Và em cũng muốn nhắn nhủ đôi điều tới các bạn trẻ la hãy yêu thương Bố Mẹ thêm một chút, xin đừng để các đấng sinh thành của chúng ta đau lòng dù chỉ là những điều nhỏ nhất. Hãy trân trọng hạnh phúc khi còn cả Cha lẫn Mẹ. Nếu có thể thì ngày Lễ, nhất là ngày Tết chúng ta về sớm bên giao đình, bên cạnh Bố Mẹ của chúng ta nhiều hơn. Có cơ hội hãy chụp với Bố Mẹ những người thân trong gia đình của mình thật nhiều ảnh để khi nào đó chúng ta sẽ cần dùng nó mà ngắm nghía.

THÔNG TIN TÁC GIẢ:

Trần Thị Hoài Trang                   
Sinh ngày: 20/07/2000
Sinh viên Trường Đại Học Công Nghiệp TPHCM
Quê quán: Yên Châu, Hải Châu, Nghi Sơn, Thanh Hóa
Email: hoaitrangcdks19a@gmail.com

Trả lời