You are currently viewing [E-Magazine] – Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

[E-Magazine] – Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Ngày 10/8/1961, Không quân Mỹ đã thực hiện chuyến bay đầu tiên rải chất độc hóa học xuống phía Bắc thị xã Kon Tum (nay là TP Kon Tum), mở đầu cho cuộc chiến tranh hóa học quy mô lớn nhất, dài nhất, gây tác hại nghiêm trọng nhất đối với hàng triệu người dân Việt Nam.

Chiến tranh hóa học đã kết thúc 60 năm nhưng di họa để lại cho cuộc sống hiện nay quá nhiều nỗi đau. Theo ước tính, chất độc da cam/dioxin làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên bao thảm cảnh, nỗi đau cho hàng triệu gia đình.

Tại Thanh Hóa, theo kết quả điều tra có 23.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Từ năm 2000 – 2020, Thanh Hóa đã xác nhận 18.300 người là nạn nhân da cam. Hiện toàn tỉnh còn 10.578 hộ có nạn nhân da cam, trong đó có 3.113 hộ có từ 2 nạn nhân trở lên, 1.670 hộ có cả 3 thế hệ là nạn nhân da cam. Đã có hàng nghìn nạn nhân đã chết trong đau đớn, hàng nghìn người khác đang từng ngày từng giờ vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Nhiều trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật, sống đời sống thực vật…

Thật khó để đong đếm hết nỗi đau của những người cha, người mẹ phải chứng kiến giọt máu mình sinh ra với những hình hài, trí óc không trọn vẹn. Phần lớn những gia đình nạn nhân chất độc da cam đã và đang sống trong đau khổ, bệnh tật, nghèo đói, vô vọng. Họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo nhất, đau khổ nhất trong những người đau khổ.

Theo chân ông Nguyễn Khôi – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Hậu Lộc, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Xuân Lự và bà Nguyễn Thị Lý – cựu chiến binh xã Mỹ Lộc, huyện Hậu Lộc. Rót xong chén trà mời khách, nước mắt bà Lý bắt đầu rơi lã chã và ôm lấy đứa con trai ngây dại, miệng phát ra tiếng ú ớ, mắt vô hồn đang ngồi trên chiếc xe lăn. Bà nói trong nước mắt: “Vết thương nào rồi cũng lành nhưng vết thương da cam thì không bao giờ lành”.

Vốn là những chiến sĩ mật mã cơ yếu tham gia vào chiến dịch A Lưới – Quảng Trị năm 1969. Trở về hậu phương sau năm 1975, ông bà xây dựng gia đình với nhau. Niềm hạnh phúc tưởng sẽ được nhân lên khi biết mình có con, nhưng niềm vui ấy không được trọn vẹn khi bà sinh nở đứa con trai đầu lòng và cũng là độc nhất Nguyễn Thành Chung lại có một cơ thể yếu ớt, da trắng bệch, chân tay quắp queo là lúc gia đình bà vắng bóng tiếng cười. Nguyễn Thành Chung năm nay đã 45 tuổi nhưng không khác một đứa trẻ, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào mẹ.

Năm 2019, gia đình bà Lý được hỗ trợ vay vốn 10 triệu đồng không lãi suất từ Trung ương Hội da cam/dioxin Việt Nam. Được vay vốn, ông bà nuôi thêm đàn ong lấy mật, vừa cho đỡ buồn, vừa trang trải thêm cho cuộc sống. Bà Lý năm nay bước sang tuổi 75, bà lo lắng đến một ngày nào đó sức khỏe của ông bà yếu hoặc mất đi, ai sẽ là người chăm sóc Chung.

Hiện nay, huyện Hậu Lộc có 967 nạn nhân chất độc da cam, trong đó có 641 nạn nhân trực tiếp, 336 nạn nhân gián tiếp. Hậu Lộc cũng là 1 trong 5 huyện trên địa bàn tỉnh có số nạn nhân chất độc da cam đông nhất.

Cũng như nỗi lòng của bà Lý, bà Nguyễn Thị Đàn, thôn Ngọc Trà 1, xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương lo lắng cho tương lai của 4 người con gái “có lớn mà chẳng có khôn” cũng bởi di chứng của chất độc hóa học để lại. Chồng của bà là ông Lê Đĩnh Dễnh từng tham gia kháng chiến ở khắp chiến trường miền Nam, bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Cưới nhau năm 1980, ông bà sinh được 4 con gái là Lê Thị Thơm (1983), Lê Thị Thêm (1985), Lê Thị Thu (1987), Lê Thị Gái (1993). Khi các con mới chào đời, bà chỉ biết con mình không bình thường như bao đứa trẻ khác chứ không nghĩ rằng con mình bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Cho đến năm 1993 khi con được đi xét nghiệm, có kết luận và mới biết sự thật. Cả 4 con đều bị thiểu năng trí tuệ, ngây ngô, điên dại. Mọi sinh hoạt ăn uống, tắm rửa đều phụ thuộc vào bố mẹ. Bà Đàn đau đớn chia sẻ: “Tôi là người đau khổ nhất. Không biết có sống nổi để nuôi 4 đứa con gái, chẳng may bà chết đi, ai là người chăm sóc các con”.

Bữa cơm trưa của gia đình bà Đàn dọn ra, ông bà thay nhau xới cơm, gắp thức ăn cho các con. Ông Dễnh vừa buồn vừa nói: “Lát các con ăn xong, bố mẹ lại phải dẫn đi rửa mặt, lấy tăm rồi rót nước. May mắn là các con vẫn tự xúc ăn được. Nhưng hiện nay cháu đầu và cháu thứ 2 bị tiểu đường nặng, mắt mờ. Thương lắm. Tôi luôn tâm niệm, mình may mắn hơn những đồng đội khác là được trở về, dù các con có như thế nào thì đó cũng đã là hạnh phúc”.

Thấu hiểu những đỗi đau về thể xác và tinh thần mà những nạn nhân da cam, gia đình của họ phải chịu đựng, từ lâu Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm sâu sắc đến vấn đề chất độc dam. Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam thành lập ngày 10/1/2004; Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin Thanh Hóa được thành lập ngày 1/6/2006. Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng luôn là người bạn đồng hành, chỗ dựa tinh thần, vật chất và pháp lý cho các nạn nhân chất độc da cam trong cuộc sống.

Tại Thanh Hóa, trong những năm qua, với nghĩa tình – trách nhiệm vì nạn nhân, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, UB MTTQ tỉnh, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, các phong trào ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân da cam đạt được kết quả hết sức tích cực.

Đã có trên 200 nhà tình nghĩa được xây dựng cho nạn nhân trị giá trên 10 tỷ đồng; Gần 100 hộ NNDC được vay vốn không phải trả lãi, để phát triển kinh tế hộ. Đã có 225 hộ NNDC làm kinh tế khá, có mức doanh thu từ sản xuất, kinh doanh đạt từ 50 triệu – 150 triệu đồng/1 năm. Hộ NNDC trực tiếp (là người có công) không còn ở nhà tranh tre, kém an toàn; Trên 500 con, cháu NNDC được khuyến học, khuyến tài; 200 NNDC được đi điều dưỡng ở làng Hữu Nghị của Hội Cựu chiến binh Việt Nam; 120 NNDC được đi xông hơi, giải độc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội của TW Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam; 400 NNDC được cấp xe lăn, xe lắc, xe bại não; 9.800 lượt NNDC được thăm, tặng quà từ nguồn vận động quỹ Hội; 89 NNDC có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc mồ côi cha mẹ được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công của tỉnh; 1.900 NNDC được Bệnh viện 103 khám và cấp thuốc miễn phí; Hội Chữ thập đỏ tỉnh với phong trào “Tết vì người nghèo, vì nạn nhân da cam” trong những năm qua đã xây dựng 335 nhà tình thương cho NNDC; Tặng 875 con bò sinh sản; Tặng quà cho 41.551 lượt NNDC, 389 NNDC được TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức đi điều dưỡng tại Sầm Sơn. Năm 2020, Thanh Hóa đã biểu dương 150 người chăm sóc nạn nhân CĐDC/dioxin xuất sắc, tiêu biểu và vinh danh những tấm lòng nhân hậu “Vì nạn nhân chất độc da cam” giai đoạn 2015 – 2020.

Ngày 20/1/2021, thăm và làm việc với Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh (Ban Chỉ đạo 701), nhấn mạnh: Hậu quả chiến tranh để lại còn rất nặng nề. Có nỗi đau nào hơn nỗi đau da cam? Và nỗi đau này không chỉ của riêng ai. Chúng ta sẽ làm hết sức mình, kể cả vận động quốc tế, xã hội hóa nguồn lực, cùng ngân sách Nhà nước để có nguồn lực cho Hội và những người bị nhiễm có điều kiện tốt hơn. Thủ tướng chia sẻ và kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế tiếp tục sát cánh cùng Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam trong cuộc đồng hành nhân ái vì nạn nhân chất độc da cam.

Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã luôn quan tâm, chia sẻ, dành cho nạn nhân da cam, giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Nhiều nạn nhân chất độc da cam vượt qua khó khăn, bệnh tật, hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế, tham gia hoạt động xã hội, trở thành những thầy giáo, cô giáo… Họ đã không cảm thấy lẻ loi, đơn độc trong cuộc sống và vì thế họ có thêm sức mạnh để vượt qua sự giày vò cả thể xác và tinh thần bởi bệnh tật, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Tiêu biểu như thầy giáo Đào Thanh Hương – Giáo viên Trường THCS Đa Lộc, huyện Hậu Lộc. Là nạn nhân da cam, bằng nghị lực tuyệt vời, anh vượt qua mọi rào cản bệnh tật trở thành một thầy giáo, cống hiến hết mình cho quê hương.

Cha anh là một người lính từng sống và chiến đấu ở tuyến lửa Quảng Trị những năm 1966 – 1973 và của mẹ là một cô giáo trường làng. Năm 1976, cha mẹ và những người thân trong gia đình đều chết lặng khi nhìn thấy đứa con đầu lòng chào đời sau hơn 5 năm mong đợi không có hai bàn chân và cánh tay trái, cơ thể nhỏ bé dị dạng. Vượt lên trên nỗi đau thể xác, cùng nghị lực vươn lên, từ nhỏ anh luôn là học sinh giỏi và nuôi dưỡng ước mơ trở thành thầy giáo. Năm 1994, anh thi đỗ vào khoa Văn, Trường Đại học Hồng Đức với số điểm cao. Và những năm tháng trên giảng đường đại học, bằng sự miệt mài học tập, anh Hương tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc. Trở về quê hương làm thầy giáo đứng trên bục giảng đến nay đã tròn 23 năm. Anh Hương cũng xây dựng gia đình với cô giáo Trần Thị Hương – giáo viên cùng trường và hạnh phúc có 2 con trai. Vợ chồng anh đều tích cực tham gia các hoạt động xã hội; tổ chức dạy học miễn phí cho các em học sinh nghèo; thành lập Quỹ khuyến học Song Hương bằng chính đồng lương của mình để giúp đỡ nhiều em có hoàn cảnh khó khăn…

Thầy Đào Thanh Hương chia sẻ: Chiến tranh đã lùi xa, nỗi đau do chất độc hóa học của đế quốc Mỹ sử dụng trong chiến tranh đối với đất nước ta hiển hiện còn đó, tôi tuy vậy, nhưng vẫn còn hạnh phúc hơn một số nạn nhân phải sống một cuộc đời thực vật, ăn không biết no, ngày cũng như đêm, mọi sinh hoạt phải có người phục vụ. Vì vậy, tôi đã nỗ lực khao khát vươn lên, khao khát được cống hiến, được chiến thắng bản thân mình”.

Còn ở xã Cát Tân, huyện Như Xuân, mọi người ai cũng cảm phục nghị lực vượt khó của cựu chiến binh Lê Xuân Khương. Trở về sau chiến tranh, cựu chiến binh Lê Xuân Khương mang trong mình thương tật tỷ lệ 61%, gia đình ông sinh được 6 người con thì có đến 3 người bị nhiễm chất độc da cam. Nỗi đau chiến tranh chưa dừng lại ở đó, con gái đầu của ông Khương lấy chồng và sinh cháu ngoại đầu tiên thì cậu bé cũng mang trong mình căn bệnh máu trắng. Theo ông Khương, đó là di chứng của chất độc da cam. Vượt lên nỗi đau cả về thể xác và tinh thần, không cam chịu đói nghèo, ông đã quyết tâm làm giàu trên đất trang trại theo hình thức vườn-ao-chuồng-rừng (VACR). Hiện nay, trang trại của gia đình ông Khương có tổng diện tích 15ha đã đi vào sản xuất ổn định… cho thu nhập bình quân mỗi năm từ 350 đến 500 triệu đồng, tạo việc làm cho 10 đến 15 lao động tại địa phương…

Ông Khương bộc bạch: “Trở về sau chiến tranh, nỗi đau lớn nhất là con mình, cháu mình cũng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin và bệnh tật. Tôi xác định, bước chân vào cuộc kháng chiến thì được sống đã là may mắn rồi, bởi vậy dù mang trên mình những nỗi đau đó, người lính chúng tôi không còn cách nào khác phải chấp nhận mà vươn lên”.

Cũng như cựu chiến binh Lê Xuân Khương, cựu chiến binh, Nguyễn Duy Nở – Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn, khu công nghiệp Hoàng Long, TP Thanh Hóa là một trong những điển hình trong phát triển kinh tế, đồng thời là cá nhân tiêu biểu trong công tác giúp đỡ, chăm sóc gia đình chính sách, nạn nhân da cam trên địa bàn tỉnh.

Là người lính trở về sau chiến tranh, quê hương Hoằng Đại, Hoằng Hóa (nay là TP Thanh Hóa) là làng quê thuần nông. Bố mất sớm, gia đình có 6 anh em thì tất cả đều vào quân đội và may mắn trở về. Là anh cả, ông đã bắt tay vào làm kinh tế với đủ mọi nghề như nuôi cá, nuôi bò, nuôi vịt thời vụ, đốt vôi, sản xuất vật liệu xây dựng.

 

Năm 2002, ông thành lập Công ty TNHH Hoàng Tuấn trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng. Vượt qua nhiều khó khăn thách thức của cơ chế thị trường, doanh nghiệp của ông luôn tự chủ, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, mở rộng thêm ngành nghề kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho gần 300 lao động thường xuyên, trong đó có gần 200 lao động là con em người có công, cựu chiến binh, với mức lương từ 8 – 11 triệu đồng/tháng.

Có được thành công như ngày hôm nay, cựu chiến binh, nạn nhân da cam Nguyễn Duy Nở luôn tâm niệm: “Mình may mắn hơn những đồng đội khác là được trở về. Phải làm gì để đền ơn đáp nghĩa cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, nạn nhân da cam. Trong những năm qua, mặc dù đóng góp chưa nhiều, nhưng bản thân tôi luôn tích cực tham gia các phong trào đóng góp cùng với các tổ chức xã hội làm tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa với đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn. Đây vừa là tích cảm, vừa là trách nhiệm, lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh vì nhân dân vì đất nước”.

Tâm niệm là vậy, nên những năm qua, ông đã làm chục ngôi nhà tình nghĩa cho các đối tượng là cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tham gia chương trình ủng hộ học sinh nghèo vượt khó, đỡ đầu 15 em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn cho đến khi học xong đại học; nhận phụng dưỡng suốt đời 4 mẹ Việt Nam Anh hùng và 1 thương binh nặng có tỷ lệ thương tật 81%.

Ông Nở luôn nghĩ rằng: Mình làm được nhiều việc giúp đỡ cho nhiều người, trái tim của mình sẽ bản thiện hơn, nhân ái hơn, cho đi là sẽ được nhận lại. Sự đóng còn của mình còn rất nhỏ, bởi dù có ủng hộ cho các gia đình có công bao nhiêu bao nhiêu cũng chưa đủ bù đắp cho sự hy sinh xương máu của hàng triệu đồng bào, đồng chí.

Đồng cảm và chia sẻ với những hi sinh mất mát của các gia đình người có công, trong đó có nạn nhân da cam, những năm qua, nạn nhân da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm thiết thực, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, thông qua phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam năm 2021”, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh đã trao tặng 47.580 suất quà, trị giá 14 tỷ 650 triệu đồng và các hỗ trợ khác như: tặng xe lăn, xe đạp, đồ dùng học tập…, trị giá 350 triệu đồng. Riêng đối với gia đình chính sách và nạn nhân chất độc da cam là 7.137 suất, trị giá 2 tỷ 198 triệu đồng.

Ông Phạm Quang Thư – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thanh Hóa trăn trở: Năm tháng qua đi, bụi thời gian có thể xóa nhòa vết tích chiến tranh, nhưng các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mãi về sau sẽ không bao giờ quên được những năm tháng hào hùng của những năm chống Mỹ cứu nước. Không thể nào quên sự hy sinh của hàng triệu đồng bào, đồng chí. Hiện nay vẫn còn hàng vạn người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đang hàng ngày, hàng giờ phải chịu nỗi đau da cam xuyên thế hệ, rất cần sự đồng cảm và chia sẻ.

“Đảng, Nhà nước, Chính phủ và tỉnh sớm có chính sách hỗ trợ cho người chăm sóc nạn nhân da cam bị mất khả năng tự phục vụ; mỗi tỉnh, thành phố cần có 1 trung tâm để tiếp nhận và nuôi dưỡng các nạn nhân da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như mồ côi cha, mẹ, sống cô đơn. Bộ LĐ,TB&XH trình Chính phủ và Quốc hội có chính sách đối với thế hệ thứ 3. Đó là tâm nguyện và đề nghị của nạn nhân da cam”, ông Phạm Quang Thư chia sẻ.

Nguồn: baothanhhoa.vn

Để lại một bình luận