You are currently viewing Bàn về chữ HIẾU trong xã hội hiện đại

Bàn về chữ HIẾU trong xã hội hiện đại

Ca dao tục ngữ Việt Nam có câu:

“Cây có gốc mới nở cành xanh lá,

Nước có nguồn mới bể cả sông sâu.

Người ta nguồn gốc từ đâu,

Có tổ tiên trước rồi sau có mình”.

Cha mẹ sinh ra ta, nuôi dưỡng ta khôn lớn thành tài. Cho dù con cái có trưởng thành thế nào đi chăng nữa thì vẫn nhận được sự bao bọc của cha mẹ. Vì vậy, chữ “Hiếu” là một phạm trù đạo đức có từ thời cổ đại và được gìn giữ, lưu truyền bao đời nay, được đề cập dưới nhiều góc độ khác nhau theo từng thời kỳ với những nền văn hóa khác nhau. Nhưng chung quy lại là đề cao thái độ ứng xử chuẩn mực của con cái đối với cha mẹ .

     Từ điển tiếng Việt định nghĩa Hiếu là “lòng kính yêu và biết ơn cha mẹ” (Hoàng Phê, 1992). Trong tiếng Hán, chữ “Hiếu” 孝 được ghép từ một phần của chữ “Lão” 老 ở trên và chữ “Tử” 子 ở dưới. Như vậy, “Hiếu” là mối quan hệ tôn ti giữa cha mẹ và con cái; suy rộng ra là đạo nghĩa của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. (Nguyễn Thị Tuyết Ngân, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP Hồ Chí Minh).

Một chuyện có thật được ghi chép ở một bệnh viện nọ (sưu tầm)

Ông 81 tuổi, nguyên Phó giám đốc một công ty xi măng lớn. Bà 76 tuổi, nguyên kế toán trưởng. Tiền không thiếu. Ông nhiều bệnh, nằm thở oxi giai đoạn cuối. Mấy tháng nay, mình bà chăm ông ở viện. Hai ông con, một ông là trưởng phòng Quản lý đô thị, một ông là phó chủ tịch phường của Thị xã. Bữa giờ, mỗi lần ông chạy thận, một trong hai ông con mới vào, xong lại té, bỏ lại bà chăm ông. Mỗi lần vào như thế, bà lại phải chi tiền xăng oto cũng như các chi phí khác cho 2 ông con. Tối nay ông yếu, khả năng không qua khỏi. Bà gọi 2 ông con vào viện. Hai ông con mãi ko vào, bảo bà hỏi lại bác sĩ, xem có phải trả về nhà không, không vào lại mất công. Không chứng kiến chắc không thể tin.

Kiểu này ông mất, chắc làm đám ma to lắm. Cả đời lo cho con cái, cuối đời thật đắng cay.

Suy nghĩ của hội viên CLB Thanh niên Thanh Hóa phía Nam

Đ/c Mai Hồng Quân tỏ ra khá chín chắn trong suy nghĩ. Đ/c cho rằng, đọc thì dễ gây bức xúc thật đấy nhưng đó lại là hệ lụy của một quá trình dài nuôi và dạy con cái. Lùi xa ra một chút để nhìn rộng hơn, xã hội ngày nay việc chu toàn giữa chăm sóc gia đình và phát triển sự nghiệp là vô cùng khó khăn, những người viên mãn cả 2 bề có lẽ ko nhiều. Gia đình này cả chồng và vợ đều là những người có sự nghiệp thành đạt, được người đời ngưỡng mộ nên câu hỏi đặt ra ở đây là liệu họ có đủ thời gian và tâm trí để thương yêu chăm sóc con cái mình không? Để rồi tình cảm gia đình theo năm tháng dần bị đào sâu khoảng cách khiến những người thân đã không còn thương nữa…Nhưng suy cho cùng, nghĩa tử là nghĩa tận. Như nhân vật Núi trong phim “Sóng ở đáy sông” một đời bị cậu (bố đẻ) ghẻ lạnh, chì chiết ko nhận, thậm chí còn viết đơn yêu cầu tòa án xử chung thân. Núi hận cậu hắn, hận thấu xương tủy là thật. Nhưng khi cậu chết, chính Núi vẫn động lòng mà đến đeo tang tiễn cậu. Vậy nên hành vi của những người con trong câu chuyện này là đáng lên án, chúng có thể bao biện đủ thứ nhưng không đồng nghĩa chúng được quyền sai như thế hệ trước đã từng. Cha mẹ chính là tấm gương cho con cái noi theo, sống 1 đời trọn vẹn cho con trẻ trưởng thành tốt đẹp.

Đ/c Nguyễn Thị Hương là một giáo viên môn GDCD tại một trường cấp 3 ở Tp. HCM có một sự liên tưởng khá thú vị. Người ta thường nói: “Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”. Hoàn cảnh gia đình, môi trường xung quanh tác động rất lớn đến suy nghĩ, hình thành nhân cách của mỗi cá nhân. Hai người con trong câu chuyện trên cũng đã có những lối suy nghĩ riêng, không cân đối được công việc và tình thân. Và có thể họ cũng đã suy nghĩ theo hướng: sinh, lão, bệnh, tử là điều mà con người không thể tránh khỏi. Nên có thái độ thờ ơ, không cảm nhận được điều người mẹ mong mỏi lúc này là gì? Lúc này người mẹ thật sự đơn độc. Hai người con luôn phải chạy đua theo công danh, sự nghiệp mà quên rằng nhà là nơi mà ta luôn nhận được sự quan tâm, động viên an ủi, yêu thương nhất. (Trong câu chuyện, mẹ của 2 người con vẫn cho tiền xăng xe, đi lại… mặc dù họ là những người đã thành đạt). Hai người con thật đáng trách và cũng đáng để chúng ta suy ngẫm về bản thân mình. Trong cuộc sống tấp nập hối hả hiện nay, chúng ta đã dành thời gian để quan tâm đến ba mẹ, đến gia đình của mình hay chưa. Chúng ta hãy dành thời gian mỗi ngày (gọi điện thoại, FaceTime, nhắn tin…) để quan tâm những người thân yêu của mình khi còn có thể.

Đ/c Lê Thị Lan cho hay, câu chuyện này nó không còn quá mới mẻ trong cuộc sống hiện tại của chúng ta. Dân gian có câu: “Một mẹ có thể nuôi đc mười con nhưng mười con chưa thể nuôi đc một mẹ” . Cũng có nhiều người đổ lỗi cho Bố Mẹ nuôi dậy con cái ko đúng cách nhưng theo mình nghĩ đó không phải là tất cả. Vì Bố Mẹ sinh con ra đều muốn chỉ dạy con cái những điều hay lẽ phải. Nếu những người con này ít học phải lang thang kiếm từng bữa cơm thì có thể một phần nào đó trách bố mẹ họ được nhưng đằng này, họ được ăn học đến nơi đến chốn (có thể họ còn đi rao giảng đạo đức với người khác do họ là người có chức có quyền trong xã hội) nhưng mà họ lại đối xử với Bố Mẹ họ như thế thì đó là một mặt tối của xã hội hiện đại khi tình cảm gia đình bị ảnh hưởng. Vậy nên câu chuyện này cảnh tỉnh cho chúng ta biết rằng, cần dành thời gian để nói chuyện thăm hỏi Bố Mẹ mình nhiều hơn nhất là lúc ốm đau bệnh tật gần đất xa trời vì với bố mẹ, con cái luôn là tất cả.

Đ/c Lê Đại tỏ vẻ khá ngạc nhiên khi xã hội hiện nay có trường hợp như vậy đang tồn tại và cho rằng câu chuyện này đang gieo vào lòng người đọc một hạt mầm căm hờn thay vì một cốt chuyện mang tính cảm thông. Đ/c Nguyễn Văn Hải không nghĩ vậy, đ/c cho rằng: “Nhìn nhận sự việc từ một quan điểm khác có thể đưa đến một khác biệt lớn trong thái độ của chúng ta đối với mọi người. Vậy nên, chúng ta nên cởi mở với những thông tin mới, trải lòng ra với những quan điểm sống khác và sẵn sàng thay đổi nhận thức khi biết rõ về một sự việc hay vấn đề nào đó.”.

Đ/c Cao Thị Giang cho biết, khi đưa case study (tình huống thực tế) này vào là để các đ/c cùng suy ngẫm về tình cảm gia đình, những giá trị cần trân trọng trong cuộc sống. Những ý kiến thảo luận của các đ/c ở trên về cơ bản cho thấy có tư duy nhạy bén, đa số các đ/c đã có cái nhìn bao quát trong nội dung câu chuyện và đưa ra ý kiến rất xác thực. Tuy nhiên cũng có đ/c khá nhạy cảm, phản ứng gay gắt với cách hành xử của hai người con. Đ/c Giang đánh giá cao tất cả các ý kiến tham gia thảo luận. Mỗi ý kiến thể hiện góc nhìn khác nhau và tư duy của mỗi người. Chúng ta chỉ là người biết câu chuyện qua cách kể của một người khác chứ không biết rõ sự tình bên trong. Vì vậy, khi chúng ta nhìn nó ở khía cạnh tích cực thì nó mang lại một giá trị nào đó cho mình. Đ/c rất vui khi chữ HIẾU rất được các đ/c coi trọng. Và đ/c cũng mong rằng mỗi chúng ta không chỉ biết kính trọng cha mẹ, chăm sóc cha mẹ mà còn phải tự lo được cho bản thân mình, sống một cuộc đời ý nghĩa để cha mẹ tự hào về con cái. Đó mới chính là trọn vẹn chữ HIẾU.

Ban truyền thông STYC

 

 

 

Trả lời