You are currently viewing [Bài dự thi số 7]: Mẹ – người phụ nữ phi thường

[Bài dự thi số 7]: Mẹ – người phụ nữ phi thường

Mẹ là tia nắng

Cho con hi vọng

Mẹ là bình minh

Sưởi ấm lòng con

Mẹ làm tất cả

Chỉ mong cho con

Có một tương lai

Tươi sáng ngời ngời.

Với tất cả mọi người thì mẹ đều phi thường và vĩ đại nhất. Mẹ tôi cũng vậy cả đời lo cho các con cho gia đình và giờ là thêm các cháu. Mẹ kể ngày xưa thời con gái mẹ đẹp lắm, nhà có bác và cậu mẹ là con gái nên cũng được cưng chiều, 18 tuổi mẹ ra Hà Nội trở thành cô sinh viên mà bao người mong ước. Mẹ chưa học xong thì bao biến cố tới với gia đình, bác tôi hy sinh ở chiến trường, cậu tôi thì tai nạn mất ở quê, Bà ngoại suy sụp ốm cả năm và cuối cùng cũng theo bác và cậu. Mẹ phải từ bỏ giảng đường đại học với bao ước mơ và hoài bão còn dang dở để về quê đi làm vì còn mình ông ngoại, và đây cũng là cơ duyên để gặp bố. Bố tôi một anh công nhân nghèo lắp máy nhưng rất đẹp trai lại có mác thành phố và qua thời gian cũng như bí kiếp tán gái của gia tộc thì cũng cưa đổ mẹ tôi khi đó là cô văn thư xinh đẹp. Rồi sau đó có tôi và thêm em giáp tôi, mẹ chuyển về thành phố làm kế toán xí nghiệp gần nhà, hồi đó thích nhất được tới chỗ mẹ làm là được cho ít giấy than dùng đánh máy về làm diều quạ.

Vào lớp 1 lúc đó tôi mới bắt đầu biết nỗi vất vả của mẹ, mẹ sinh thêm em thứ 3 và bị kỷ luật xuống làm công nhân, nhà đông người lại phải ra ở riêng, ông ngoại bán hết ruộng vườn ao cá ở quê cho mẹ, rồi bố mẹ vay mượn thêm mua được cái nhà trong hẻm tại thành phố, nhà tôi chính thức có nhà riêng không còn ở chung với ông bà nội. Từ đây tôi cảm nhận được sự vất vả với cơm áo gạo tiền của mẹ, bố đi làm ở lại trông coi kho luôn để kiếm tiền trả nợ mua nhà, mình mẹ với 3 đứa con nhỏ và ông ngoại với đồng lương công nhân ít ỏi. Mẹ làm thêm đủ thứ để có tiền, sáng sớm làm chõ xôi bán rồi nhanh đến giờ làm, trưa bán thêm nồi chè… Mẹ như con ong thợ tối ngày vẫn ko đủ ăn. Một người phụ nữ chân yếu tay mềm bỗng dưng phải gánh trên mình quá nhiều công việc chỉ để các con không bị đói… thế mà vẫn đói, tôi vẫn nhớ cảnh mẹ đi vay gạo, đi mua chịu gạo, rồi những bữa ăn với rau muống, đậu phụ, lạc rang…

Nhìn mẹ vất vả mà nhiều lúc bất lực, tôi con lớn trong nhà cảm nhận được nhưng không biết làm gì ngoài làm hết việc nhà và học thật giỏi. Cả 10 năm ngày nào cũng như ngày nào cứ 2-3 giờ sáng là mẹ đã dậy làm hàng cho đến tối muộn hết ngày vẫn chưa xong việc để mong nuôi anh em tôi lớn và được ăn học đầy đủ, rồi cũng đến ngày tôi đi xem điểm thi đại học và biết mình đủ điểm vào đại học, mẹ mừng 1 nhưng lo 10, lo mất 1 nhân lực làm việc nhà cũng như giúp mẹ làm hàng và đặc biệt là lo tiền đâu để nuôi con ăn học… Mẹ bảo mẹ vay tiền phụ nữ đóng học, rồi làm mọi cách để con học… con cũng nhập học học quân sự rồi nhưng với bao chi phí cũng như quảng đường phía trước… học ở Hà Tây xung quanh cũng như nông thôn không có việc làm thêm kiếm tiền, hoàn cảnh khó khăn con đành phải xin mẹ nghỉ học về quê phụ mẹ chăm các em và mẹ đã để con tự quyết định…

Con tạm biệt bạn bè về quê tiếp tục phụ mẹ làm hàng để nuôi các em và tính học nghề để kiếm tiền, nào là cắt tóc rồi sửa xe máy… nhưng vẫn rất thèm được đi học. Rồi một ngày ông bác tới nhà chơi nói chuyện và nói “Sài Gòn kiếm tiền dễ hơn thi đại học cũng dễ, mày vào không bác có con đang làm trong đó…” nói đến được học và được kiếm tiền là tôi mừng như bắt được vàng. Dù chưa biết Sài Gòn ở đâu chỉ biết rất xa nhưng tôi cũng quyết định vào đó, mẹ bán đôi lợn chưa kịp lớn đưa con vào Sài Gòn. Tôi 18 tuổi, ở Sài Gòn chỉ có ông anh hơn 19 tuổi đang làm ở 1 quán ăn cho mẹ gửi gắm, mẹ khóc khi không yên tâm nhưng tôi đã bảo mẹ “con sẽ tốt mẹ yên tâm” vài ngày mẹ lên tàu về Thanh Hoá, đó cũng là ngày tôi cầm hồ sơ đến nhà văn hoá Thanh Niên xin việc làm, từ giữ xe, rửa chén, pha chế, chạy bàn….

Rồi cũng đến ngày tôi được đi học, được đi dạy thêm, rồi làm công ty… tự nuôi thân và cố gắng để dành những đồng tiên ít ỏi gửi về cho mẹ, 4 năm ròng tôi không về quê ăn tết, tôi nghĩ “tiền về gửi cho mẹ các em sẽ có thêm bánh trưng và thêm bộ quần áo mới” tết đến mẹ con hẹn nói chuyện với nhau rồi lại khóc… Nhìn nhà nhà tết tôi lại tủi thân, rồi lại khóc… Có lần ốm nằm trên gác trọ chỉ có tiếng chuột chạy, nằm mơ mẹ nấu cháo gọi dậy ăn mà giật mình tỉnh dậy lại cứ thế nước mắt lăn dài… Và rồi tôi lớn cũng có gia đình riêng, mẹ vẫn luôn quan tâm và chăm lo như còn nhỏ, bao nhiêu tình cảm mẹ lại tiếp tục giành cho cháu nội, rồi các em cũng có gia đình bà lại thêm cháu và cho tới giờ bà vẫn còn làm việc vẫn kiếm tiền vẫn lo cho con cháu. Tôi chọn Sài Gòn là nơi sinh sống và làm việc nên ít có điều kiện để được gần bố mẹ, mẹ vẫn hàng ngày động viên theo dõi và tin tưởng mọi việc tôi làm. Có lần ông bà cãi nhau vì công an tới nhà xác minh (lý do tôi làm visa nên khai báo bố mẹ và công an họ gọi xác minh), bố thì bảo “chắc nó làm gì phạm pháp công an họ mới gọi về quê”, mẹ dù ko biết tôi làm gì nhưng vẫn bảo là tin tưởng tôi tuyệt đối là ko bao giờ làm điều xấu, thế là ông bà cãi nhau… tôi phải gửi cả đơn nộp về bố mới tin và mẹ đã chiến thắng bố tuyệt đối bằng niềm tin với các con.

Mẹ giờ chỉ vui vẻ mạnh khoẻ với sự hạnh phúc và thành tích của con cháu, các con mẹ giờ cũng đã ổn định và luôn cố gắng là niềm tự hào của mẹ, lần lượt các con mẹ tự lực mua được căn nhà riêng mẹ vui phát khóc mẹ khoẻ mẹ trẻ ra còn hơn bất cứ liều thuốc bổ nào.

Giờ đây con trẻ đà khôn lớn

Nhớ lắm xưa kia mẹ rất thương

Ki cỏm từng hào xu cắc lẻ

Mẹ tôi sánh tựa ánh hào dương

Nay con đi biệt sống tha phương

Tìm kiếm sự nghiệp mọi nẻo đường

Để mẹ ngày ngày mãi ngóng trông.

Lòng con hoài nhớ vọng quê hương

Cám ơn cuộc đời vì mẹ vẫn còn bên chúng con! Cảm ơn mẹ đã luôn bao dung con, luôn yêu thương các con một cách vô điều kiện.

Sau tất cả con chỉ muốn nói con yêu mẹ rất nhiều. Cầu chúc mẹ thật mạnh khoẻ để tiếp tục thành những thành công của con cháu!

Tác giả: Tào Quốc Cường

Đơn vị công tác: Cty Nam Sam

Email: quoccuong@namsancorp.com

Trả lời